Lượt xem: 353

Phát huy tốt vai trò các nhóm đồng quản lý trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven biển gắn với bảo vệ rừng phòng hộ

Với chiều dài bờ biển 72 km, tỉnh Sóc Trăng có nguồn lợi thủy sản rất lớn ở khu vực ven bờ. Để duy trì bền vững giá trị kinh tế từ tiềm năng sẵn có, thời gian qua, tỉnh đã phát huy rất tốt vai trò của các nhóm đồng quản lý trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản gắn với bảo vệ rừng phòng hộ. Ý thức rõ khi rừng được bảo vệ thì nguồn lợi thủy sản dưới tán rừng cũng có cơ hội phát triển tốt, người dân càng chung sức cùng chính quyền địa phương trong công tác tuần tra, quản lý, bởi bảo vệ rừng cũng là bảo vệ sinh kế của chính họ.

 


Người dân thu hoạch ốc len tại rừng phòng hộ trên địa bàn xã An Thạnh Ba, Cù Lao Dung.

 

    Cù Lao Dung là địa phương có diện tích rừng phòng hộ là 1.784 ha, có nguồn lợi thủy sản dưới tán rừng khá lớn với đa dạng nhiều giống loài có giá trị kinh tế cao, như: Vọp, ốc len, ba khía, cá thòi lòi... Từ mô hình hỗ trợ sinh kế được triển khai thí điểm tại xã An Thạnh Ba vào năm 2018, đến nay, địa phương đã hình thành và nhân rộng thêm nhiều diện tích nuôi thủy sản dưới tán rừng. Hiện nay, nhiều mô hình khẳng định được hiệu quả kinh tế và đang được tiếp tục duy trì như: Mô hình nuôi ốc len - ba khía ở nhóm đồng quản lý ấp Võ Thành Văn, xã An Thạnh Nam, mô hình ốc len - ba khía - cá thòi lòi ở tổ quản lý, bảo vệ rừng ấp An Quới, xã An Thạnh Ba… Nhận thức rõ khi rừng phát triển, điều kiện nuôi trồng sẽ càng được mở rộng, thu nhập sẽ được tăng lên nên ý thức bảo vệ rừng của bà con sống quanh khu vực cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Đồng chí Đồ Văn Thừa - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung thông tin thêm: “Từ các chương trình, dự án, huyện Cù Lao Dung cũng đã hình thành những nhóm đồng quản lý như nhóm đồng quản lý rừng hay nhóm đồng quản lý nghề cá ven bờ và thành lập các tổ hợp tác nuôi thủy sản dưới tán rừng. Đa số bà con đều phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình, tham gia tuần tra, bảo vệ rừng, bảo vệ các loài thủy sản được thả nuôi. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Chi cục Kiểm lâm, Chi cục Thủy sản và các ngành có liên quan cùng với chính quyền địa phương các xã An Thạnh Ba và An Thạnh Nam tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản gắn với bảo vệ rừng, hình thành thêm nhiều mô hình để bà con gia tăng thu nhập dưới rán rừng kết hợp phát triển du lịch sinh thái”.

    Đối với huyện Trần Đề hiện có khoảng 634 ha rừng phòng hộ ven biển, trong đó, khu vực rừng ven bãi bồi ấp Mỏ Ó, xã Trung Bình được xem là nơi trú ngụ của nhiều loài thủy sản thường xuất hiện theo mùa như sò huyết, cá ngát, cá bống sao... Đa số người dân sinh sống tại đây đều có thu nhập gắn liền với nghề khai thác, đánh bắt ven bờ, nên khi nguồn lợi thủy sản tự nhiên dưới tán rừng phát triển tốt, cường độ khai thác, đánh bắt của họ sẽ giảm đi, nhưng vẫn đảm bảo được nguồn thu ổn định là vài trăm ngàn đồng mỗi ngày thông qua nguồn lợi có được từ rừng. Nếu như trước đây, việc bảo vệ rừng còn gặp nhiều khó khăn do người dân chưa hiểu biết về giá trị nhiều mặt của rừng phòng hộ ven biển, thì giờ đây, đa số bà con đều có ý thức cao trong việc chấp hành tốt các quy định về công tác bảo vệ rừng. Đồng thời, khai thác nguồn lợi thủy sản dưới tán rừng có chừng mực, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích kinh tế gắn với bảo tồn và phát triển. Anh Trần Cò ở ấp Mỏ Ó, xã Trung Bình, huyện Trần Đề chia sẻ: “Nếu rừng phát triển thì các loài thủy sản ở đây cũng sẽ phát triển theo vì nó có nơi an toàn để ẩn nấp, tránh được sự khai thác quá mức, nguồn lợi được bảo vệ khoảng 70%. Tôi cũng góp sức cùng anh em đồng quản lý ở đây bảo vệ cho rừng phát triển nhiều hơn, tốt hơn, cũng như đang bảo vệ sinh kế của mình vậy”.

    Đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã thành lập được 5 nhóm đồng quản lý nghề cá ven bờ dọc theo chiều dài bờ biển, để bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven biển gắn với công tác bảo vệ rừng phòng hộ. Đây được xem là lực lượng nòng cốt để phổ biến, vận động người dân thực hiện tốt việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi tự nhiên mà thiên nhiên ưu đãi. Sau khi tham gia, thành viên các nhóm đồng quản lý đã ý thức, tự nguyện vận động gia đình thực hiện khai thác thủy sản đúng theo quy định và thỏa thuận của nhóm. Nhờ vậy, số vụ vi phạm trong khai thác thủy sản ven bờ giảm dần qua các năm. Ngư dân được làm chủ trên ngư trường của mình nên có ý thức khai thác một cách hợp lý. Đồng chí Lư Tấn Hòa – Phó Chi cục trưởng, Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng cho biết thêm: “Để việc khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản mang lại hiệu quả hơn, mô hình đồng quản lý phải được áp dụng trên toàn bộ dải ven bờ và có sự vào cuộc của các cơ quan thực thi pháp luật để hỗ trợ kịp thời các đợt tuần tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm trong hoạt động khai thác thủy sản. Bên cạnh đó, cần phải tiếp tục phát triển, hỗ trợ sinh kế cho ngư dân vùng ven biển để giảm bớt việc khai thác quá mức nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Thời gian tới, chúng tôi rất mong Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tham mưu cho Chính phủ xây dựng những cơ chế, chính sách, làm sao để phát triển kinh tế tập thể cho bà con ngư dân ở vùng ven biển, để thu hút thêm nhiều thành viên tham gia vào các nhóm đồng quản lý. Có như vậy sẽ vừa giảm được cường lực khai thác, đánh bắt trên biển, vừa giúp bà con ngư dân vùng ven biển có được công ăn, việc làm ổn định. Từ đó, huy động tốt sức mạnh của cộng đồng trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ gắn với bảo vệ rừng phòng hộ ven biển của tỉnh”.


Đánh bắt thủy sản tại bãi bồi khu vực rừng phòng hộ Mỏ Ó, xã Trung Bình, huyện Trần Đề.

 

    Việc bảo vệ nguồn lợi ven biển gắn với công tác bảo vệ rừng phòng hộ tại tỉnh Sóc Trăng trong những thập niên qua đã đóng góp tích cực trong việc cung cấp nguồn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao cho con người cũng như đã tạo sinh kế, phòng tránh thiên tai cho cộng đồng, ngư dân. Tuy nhiên, hiện nay nguồn lợi thủy sản  ven biển đang phải đối mặt với nhiều thách thức, như: Cường lực khai thác quá mức, các nghề khai thác mang tính hủy diệt, các khu vực ven biển bị sạt lở, môi trường sống của các loài thủy sản giống, bố mẹ đang bị đe dọa… khiến nguồn lợi thủy sản mất dần khả năng tự tái tạo, phục hồi. Vì vậy, việc thành lập các nhóm đồng quản lý nghề cá ven bờ là thật sự cần thiết, phù hợp với chính sách, nguyện vọng của người dân. Đối với cộng đồng ngư dân, mô hình đồng quản lý nghề cá ven bờ còn được xem là một cứu cánh giúp ngư dân bảo vệ ngư trường, bảo vệ nguồn sống của chính mình. Đây là cơ hội lớn cho việc lập lại trật tự khai thác thủy sản trong vùng nước ven bờ, tạo điều kiện tốt cho nguồn lợi thủy sản ven bờ được khôi phục và phát triển.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 38
  • Hôm nay: 215
  • Trong tuần: 70,642
  • Tất cả: 11,802,649